Hoa Cúc Vàng Của Em –Vương Thúy Nga- Em đã viết về Chị nhiều lần và lần nào cũng với nhan đề là “Hoa Cúc Vàng Của Em” vì Chị là Hoàng Kim Cúc, giố
Hoa Cúc Vàng Của Em
–Vương Thúy Nga-
Em đã viết về Chị nhiều lần và lần nào cũng với nhan đề là “Hoa Cúc Vàng Của Em” vì Chị là Hoàng Kim Cúc, giống như những bông hoa cúc vàng bé nhỏ xinh xinh và thơm ngát, được bỏ vào tách trà cho người ta thưởng thức mỗi buổi sớm mai để được sáng mắt sáng lòng.
Cũng vậy, Chị đã có mặt trong Gia Đình Phật Tử, góp phần xây dựng, làm đẹp, làm thơm cho tổ chức bằng chính bản thân Chị với những đức hạnh cao qúy của một người Chị, người Mẹ mà chúng em là những người đưọc thừa hưởng trực tiếp.
Chị là một thiếu nữ có nét đẹp đoan trang qúy phái, là nữ sinh trưòng Đồng Khánh – Huế cách đây gần một thế kỷ, cái thời mà vị Hiệu trưỏng đang còn là một “bà đầm” (người phụ nữ Pháp) và trường có tên là “Trưòng áo tím”… Chị là một vị Giám thị khi ra trường, và khi chúng em là học sinh của trường vào những năm 50 thì Chị là cô giáo của chúng em, Chị dạy Nữ công và Gia chánh. Tuy môn học Chị phụ trách không có trong những kỳ thi nhưng chúng em rất thích thú, rất kính trọng, và cả sợ Chị nữa nên không đứa nào dám “cúp cua”… Giờ Nữ công Gia chánh là giờ đông đảo học sinh nhất!
Nữ công thì học trên lớp còn Gia chánh thì học dưới bếp của nhà trường. Giờ Nữ công, Chị dạy chúng em thêu, may, vá, đan, làm hoa vải, cắt giấy hoa làm dĩa, còn giờ Gia chánh thì Chị dạy làm bánh kẹo đủ loại: bánh bông lan, bánh nhúng (baignets), kẹo đậu phụng, kẹo trứng chim, kẹo chocolat v.v…
Đúng là thời gian không có thực tính, viết đến đây thì em nhớ lại đủ chuyện: nào là Chị giao cho chúng em làm những khăn bàn to lớn với những hình rất đẹp Chị lấy trong các báo Pháp hồi đó, nhưng mũi thêu rất giản dị, ai cũng có thể thêu được, mỗi nhóm 6 bạn, chia ra, bạn này thêu xong phần mình thì chuyền qua cho bạn thứ hai… các lớp khác cũng được các cô giáo Nữ công giao trách nhiệm, kết quả là lần triễn lãm nào của trường thì phòng Nữ Công Gia Chánh cũng đưọc quan khách nhiệt liệt khen thuởng và các vị Mạnh Thuờng Quân của trường đều hoan hỷ “móc túi” ra tặng thưỏng những món quà rất hậu hỷ làm quỹ của nhà trường tăng lên rất “ngọan mục”.
Ở trường thì em là học sinh của Chị, gọi Chị là “Cô Cúc”; khi Chị đến nhà chơi thì gọi Chị là “Dì Cúc” vì Chị là bạn của Mạ; ở Gia Đình Phật Tử thì em là em của Chị, gọi Chị là “Chị Cúc”… Sau này em lớn lên, đi dạy và dần dần Ba Mạ cũng quen nên em mới gọi luôn là Chị Cúc!
Vào những năm 60, Chị và em đều ở trong trường Đồng Khánh, em lại làm việc với Chị trong GĐPT nên Chị em thường gần gũi nhau. Chị ở lầu 2, em ở lầu 3 nên em thường chạy xuống Chị chơi, khuya lắc khuya lơ mới lên, không như các anh chị ở xa, đến thăm Chị rồi tối là phải về nhà nên em càng được thân với Chị hơn; hồi đó Anh Từ gọi Chị là “mẫu” rồi gọi em là “á mẫu”, thế là các anh chị em khác cũng bắt chước gọi theo. Thời kỳ đó thât là vui và tràn đầy kỷ niệm! Trong em đầy ắp những kỷ niệm về Anh Từ, Anh Hy, Anh Sanh, Chị Tịnh Nhơn, Chị Tuy An, Chị Đào, Anh Đằng, Anh Luyện… Có những đêm trăng thật đẹp và yên tĩnh, hai chị em xuống ngồi dưới ghế đá hay đi dạo trong sân trường, Chị kể cho em nghe về thời xưa của Chị trong đó có bóng dáng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Em được chị kể cho nghe rằng cuộc đời Chị có nhiều chuyện lạ nghĩa là những hiện tượng mà không ai giải thích được. Ví dụ bình thường thì Chị khoẻ mạnh nhưng nếu có ai đi coi mắt (để tiến đến đi hỏi về làm vợ) thi khi “nhà trai” vừa đến đầu hẽm thì trong này Chị bị đau, đau đến tái xanh mặt mày, không ai có thể nghĩ là “giả đò” được. Và khi mọi nguời “ai về nhà nấy” hết rồi thì Chị tự nhiên khỏe lại, như chưa hề bị đau gì cả!
Còn chuyện quen biết với nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng rất là thơ mộng và thoáng qua chứ không thể gọi là “người tình hay người yêu” như sau này thiên hạ làm phim, làm cải lương lung tung hết. Chị kể rằng hồi đó ông cụ thân sinh Chị được bổ đi làm việc ở Quy Nhơn, Chị đi theo, Hàn Mặc Tử lúc đó chưa phải là nhà thơ nổi tiếng mà là một ngưòi thư ký của ông cụ, Chị biết Hàn Mặc Tử (tức anh Trí) trong trường hợp như vậy. Chị là một cô gái Huế con nhà khuê các, kiểu “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, tất nhiên là làm cho chàng thanh niên Hàn Mặc Tử phải chú ý rồi! Thỉnh thoảng gặp nhau thì anh cũng cúi chào lịch sự (nhưng không nói với nhau câu nào nha!). Chị kể rằng có một lần anh cầm một cuốn sách nhỏ và đưa cho Chị, cũng không nói lời nào nhưng khi về nhà Chị giở ra coi thì đó là một tập thơ với lời đề tặng gọi Chị là “các hạ” và tự xưng là “túc hạ”… Sau đó một thời gian, Chị nghe tin anh bị bệnh nặng phải vào bệnh viện Quy Hoà và có hỏi thăm Chị qua một người anh bà con của Chị (người này là bạn thân của anh Trí); anh này đề nghị Chị viết một bức thư thăm hỏi Hàn Mặc Tử; Chị bèn gởi một tấm hình bãi biển Quy Nhơn lúc hoàng hôn, có hàng dừa, và ghi sau tấm hình: “Kính tặng các hạ”. Chị dùng lại chữ mà anh Trí đã dùng để gọi Chị hồi trước, chỉ có vậy thôi. Bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” cũng là một bài thơ anh Trí làm để tặng Chị (có đề tặng hẳn hoi) nhưng chưa bao giờ Chị mời hay tự anh về thăm nhà Chị ở Vỹ Dạ cả.
Chị là người Trưởng Ban Hưóng Dẫn nữ đầu tiên của Gia Đình Phật Tử; thời Pháp Nạn không thể có anh nào ra gánh vác chức vụ đó ngoài Chị. Tuy Chị không tài giỏi, không dày kinh nghiệm, không mạnh dạn như mấy anh nhưng Chị được tất cả anh chị em yêu mến, kính trọng, nghe lời nên Chị đã kết nối được mọi con tim và khối óc để giữ vững GĐPT trước mọi phong ba bão táp và đưa phong trào GĐPT đi lên. Trong thời gian Chị làm Trưởng ban, Chị tổ chức đi thăm các tỉnh, đơn vị…, khích lệ tinh thần anh chị em rất nhiều. Chị bị tai nạn cũng đang trên đường đi thăm anh chị em, được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, mọi người ở bệnh viện đều lấy làm ngạc nhiên vì một ngưòi độc thân mà sao con cháu hay nguời thân đến thăm hay đến ở lại săn sóc quá nhiều (hồi đó anh chị em đến thăm Chị quá chừng, còn Huynh Trưỏng nữ thì được phân công ở lại đêm với Chị nữa.) Không biết Chị nằm đó có biết không, có cả nhà thơ Chế Lan Viên cũng nằm bệnh viện ở lầu trên, nghe tin chị Hoàng Kim Cúc, bạn của Hàn Mặc Tử cũng ghé đến thăm và ghi mấy dòng lưu niệm lại.
Rồi Chị nằm bất động mấy tháng trời. Từ Sài Gòn, gia đình đưa Chị về Huế, anh chị em cũng ra Huế thăm Chị, em với Anh Tuân, Anh Thạnh Đà Lạt cũng về Huế thăm Chị… Chúng em thật buồn vì Chị vẫn nằm bất động!… Thế nhưng khi Anh Thạnh vào chào Chị để lên Đà Lạt lại, ảnh khóc nấc lên thì lạ thay, từ hai mắt Chị vẫn nhắm… có mấy giọt nước mắt lăn xuống! Bây giờ anh Thạnh cũng đã ra đi rồi!
Đám tang của Chị nghe nói là to nhất Huế vì số lượng nguời đi tiễn chân Chị lần cuối quá đông, xe cũng đông nữa!!!
Em cũng đã nói “Vĩnh biệt Chị!” khi nghe tin Chị ra đi vĩnh viễn, em cũng rất buồn từ khi Chị nằm bất động… Nhưng em cảm thấy Chị luôn hiện diện trong lòng em… Mỗi khi thấy mình không tinh tấn, không kiên nhẫn… thì em có cảm tưởng Chị đang nhìn mình, để tự cảnh tỉnh mình tinh tấn hơn, kiên nhẫn hơn…
Viết về Chị không biết mấy cho vừa nhưng em phải tạm dừng đây nhường chỗ cho những chị em khác viết… về CHỊ.
Tâm Minh VƯƠNG THÚY NGA
Trích: Kỷ Yếu Ngành Nữ GĐPTVN – 2012
Nhân kỷ niệm 22 năm Húy kỵ chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc
COMMENTS