Giải Thoát Bước Vào Niết Bàn

HomeVƯỜN VĂN

Giải Thoát Bước Vào Niết Bàn

Giải Thoát Bước Vào Niết Bàn A. Khổ: Là khái niệm một trong ba tính chất của sự vật, nhận định “Đời là bể khổ”. Vô minh tham ái thúc đẩy con người t

CẦU THỊ
Hãy Tự Làm Cho Cuộc Đời Thăng Hoa
HẠ CÁNH GIỮA TẦNG KHÔNG
TƯỞNG NIỆM ANH NGUYÊN Y
Giác Ngộ Và Giải Thoát

Giải Thoát Bước Vào Niết Bàn

A. Khổ: Là khái niệm một trong ba tính chất của sự vật, nhận định “Đời là bể khổ”.

Vô minh tham ái thúc đẩy con người trần tục lao vào đời sống bất hạnh – đau khổ – không ổn định – bất an – bất toại nguyện.

Khổ có ba nguyên nhân:
• Khổ khổ: Sự đau khổ về thể xác và tinh thần dồn dập chất chồng lên nhau ‘đói khát – tai nạn – thiên tai – chiến tranh v.v…
• Hoại khổ: Thất vọng – không thỏa mãn khi hạnh phúc biến mất.
• Hành khổ: Bất toại nguyện trước những thay đổi – vô thường.

Tám tính chất của Khổ:
– Sinh là khổ, (nỗi khổ trong sinh sống).
– Lão ‘già’ là khổ.
– Bệnh là khổ.
– Tử ‘chết’ là khổ.
– Ai biệt ly ‘không đạt được ưa thích’ là khổ.
– Oán tằng hội ‘lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng’ là khổ.
– Cầu bất đắc ‘không đạt gì mình ưa thích’ là khổ.
– Ngũ uẩn xí thạnh ‘nhiều hội tụ dính líu – Ngũ uẩn xung đột’ là khổ.

– Ngũ uẩn – ngũ ấm: Năm yếu tố hợp thể: Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức kết hợp hình thành con người:

  • Sắc uẩn: Yếu tố sinh lý vật lý lục căn ‘năm tri giác’: Mắt – Tai – Mũi – Lưỡi – Thân – Ý, do Tứ đại chủng phối hợp thành: Đất – Nước – Gió – Lửa.

(Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. Lời Phật dạy)

  • Thọ uẩn: Yếu tố cảm giác – cảm nhận sự thay đổi chung quanh, không phân biệt dễ chịu – khó chịu – trung tính.
    (Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thọ? Được cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ phi khổ phi lạc. Được cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. Lời Phật dạy)
  • Tưởng uẩn: Yếu tố tri giác phân biệt đối tượng màu sắc này khác với màu sắc kia, mùi vị này khác mùi vị kia, tâm lý này này khác với tâm lý kia…
    (Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Lời Phật dạy)
  • Hành uẩn: Yếu tố tâm lý hoạt động ngoài Thọ và Tưởng.

Hành tiếp xúc với Lục trần: Sắc – Thanh – Hương – Vị – Xúc – Pháp:

  • Sắc: Màu sắc – hình dáng.
  • Thanh: Âm thanh.
  • Hương: Mùi hương (thơm – hôi…).
  • Vị: Hương vị (mặn – ngọt…).
  • Xúc: Cảm giác: Cứng – Mềm – Nóng – Lạnh…
  • Pháp: Từ Năm trần (hình ảnh – màu sắc – hương vị) lưu lại.

Hành là động lực tạo nghiệp và kết quả của nghiệp.
Hành là ý định, là toan tính, suy tư – cân nhắc một quyết định.
Hành là chủ tâm một hành động được hình thành. Hành là động lực tạo nên nghiệp thiện – ác (gồm Thân hành – Khẩu hành – Ý hành).
(Này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành. Lời Phật dạy).

  • Thức uẩn: Nhận thức – phản ánh thế giới hiện thực, mặc định cái này chua – cái kia đắng, mặc định cái này màu đỏ – cái kia nóng – cái này lợi – cái kia không lợi… Đây cũng là bước chuyển tiếp của Tưởng uẩn và Hành uẩn, cảm nhận sự khác biệt từng sự vật – sự việc – hiện tượng…
    (Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức. Rõ biết gì? Rõ biết chua, rõ biết đắng, rõ biết cay, rõ biết ngọt, rõ biết chất kiềm… rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết mặn, rõ biết không mặn. Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức. Lời Phật dạy ).

Giải pháp vượt qua Khổ (đau khổ – khó chịu) đi đến Giải thoát là tỉnh thức – quán chiếu – thực hành, trải qua Bát chánh đạo (tám con đường) trung đạo đạt đến Niết bàn: Chánh kiến – Chánh tư duy – Chánh ngữ – Chánh nghiệp – Chánh mạng – Chánh tinh tấn – Chánh niệm – Chánh định:

B. Bát chánh đạo: Tám phương pháp thực hành dẫn đến Giải thoát – vượt qua tái sinh (luân hồi) đau khổ đạt đến Niết bàn.

1. Chánh kiến:

  • Chánh là ngay thẳng – đúng đắn.
  • Kiến: Là thấy – nhận biết

Chánh kiến là sự hiểu biết đúng đắn thực tại. Mỗi hành động là tác nhân dẫn đến một kết quả.

Hiểu biết chân chánh:
– Hiểu biết sự vật hiện hữu do nhân duyên sanh.
– Nhận thức hành động nhân quả – nghiệp báo.
– Nhận thức Khổ – Vô thường – Vô ngã.
– Nhận thức tất cả chúng sanh cùng một bản thể thanh tịnh.

2. Chánh tư duy: Suy nghĩ chân chánh “Quá trình tư duy đúng đắn” – “Khát vọng đúng đắn” – “Động lực đúng đắn”.

Chánh tư duy là suy nghĩ ly dục (từ bỏ đời sống trần tục) – suy nghĩ vô sân (kềm chế sân hận) – suy nghĩ về bất hại.

3. Chánh ngữ (lời nói chân chánh): Không nói láo – không nói hai lưỡi – không ác khẩu – không nói lời phù phiếm.

Phẩm hạnh được hình thành từ lời nói đẹp – chân thật – dễ thương – tao nhã hòa thuận làm đẹp lòng người – Lời nói chánh pháp mang đến lợi ích giải thoát khổ đau cho mọi người.

Kinh Sa-môn quả dạy rằng một phần của phẩm hạnh của người tu là:
“Người đó từ bỏ lời nói láo, tránh xa lời nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời.”

4. Chánh nghiệp: Hành động có tác ý.
• Từ bỏ hành động sát sanh – hãm hại loài hữu tình (động vật – chim – côn trùng)
• Trộm cắp (hành vi chiếm hữu – lừa dối – gian lận tài sản)
• Tà hạnh: Đối với tu sĩ không quan hệ tình dục. Đói với cư sĩ Không thực hiện hành vi ngoại tình – sai trái về tình dục (quan hệ tình dục với người phụ nữ chưa chồng – phụ nữ đã có chồng – phụ nữ đã đính hôn – phụ nữ bị kết án tù hoặc được bảo vệ bởi luật pháp).

5. Chánh mạng: Mạng là sự sống. Trong cuộc mưu sinh không sở hữu tài – vật trên mức cần thiết, không gây đau khổ cho các loài hữu tình, không bóc lột xâm hại đến lợi ích chung, không buôn bán vũ khí – con người – thịt – rượu bia và thuốc độc.

6. Chánh tinh tấn: Tinh tấn là siêng năng – chuyên cần. Luôn luôn cảnh giác các giác quan – kiểm soát Lục căn – tích cực thực hiện Tứ chánh cần để phát triển thiện pháp.

Tứ chánh cần:
• Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh.
• Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh.
• Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh.
• Tinh tấn phát triển những điều lành đã phát sinh.

7. Chánh niệm: Niệm là ghi nhớ.

  • Chánh ức niệm: Nhớ nghĩ quá khứ (những chuyện đã qua).
  • Chánh quán niệm: Quán sát hiện tại và bắt đầu cho tương lai.

Nuôi dưỡng tâm trí – giữ vững duy trì trạng trái – hấp thụ sâu lắng – nuôi dưỡng yên tĩnh.
Chánh niệm là quan sát – nhận thức tâm trí dứt bỏ Năm triền cái.

Năm triền cái: Tham dục – Sân – Hôn trầm (thùy miên) – Trạo hối (trạo cử – hối qua) – Nghi.

  • Tham dục: Mong cầu dục lạc, vui thú năm giác quan tham đắm rượu, ma tuý, cờ bạc…

Tham dục là tấm màn vô minh che mờ trí tuệ gây ra nghiệp ác – tạo khổ đau.

Đức Phật đã dạy:
“Này các Tỷ-kheo, với một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ những hành vi che đậy, không phải Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống phạm hạnh, nhưng tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, thánh tình bất tịnh. Thật là tốt hơn cho người ấy ôm ấp ngồi gần hay nằm gần nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn.

Vì cớ sao ? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo người ấy có thể đi đến chết, hay đi đến gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục.
Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới theo ác pháp… thánh tình bất tịnh, ôm ấp, ngồi gần, hay nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái Sát-đế-lỵ, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con gái gia chủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh đau khổ lâu dài,sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục”
(TC VII: 68, tr.458-69= [I.7.68]).

• Sân: Sân triền cái bao gồm cả hai trạng thái sân và hận. Phẫn nộ là sự tức giận bộc lộ ra ngoài; còn hiềm hận là thù hằn, uất ức ngấm ngầm trong tâm.

Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật chỉ ra hai duyên khiến sân triền cái sanh khởi, đồng thời cũng chỉ rõ phương pháp đoạn trừ:
“Có hai duyên này, này các Tỷ kheo, khiến tâm sanh khởi. Thế nào là hai? Chướng ngại tướng và không như lý tác ý. Những pháp này, này các Tỷ kheo là hai duyên khiến sân sanh khởi” (TC III, tr.161 = [I.2.11])

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ kheo như đối ngại tướng. Đối ngại tướng, này các Tỷ kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến sân, chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại…

Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi và sân đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ kheo, như từ tâm giải thoát. Từ tâm giải thoát. này các Tỷ kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không sanh khởi và sân đã sanh được đoạn tận “
(TC I, tr.11 = [I.1.2.2/7])

Quán tâm sân nêu rõ: Từ tâm giải thoát là một pháp nằm trong Bốn Vô Lượng Tâm: Từ – Bi – Hỷ – Xả:

  • Từ tâm để đoạn trừ sân tâm.
  • Bi tâm để đoạn trừ hại tâm.
  • Hỷ tâm để đoạn từ bất lạc tâm.
  • Xả tâm để đoạn từ hận tâm.

 

  • Hôn trầm (thùy miên): Trang thái cơ thể nặng nề – tâm thức mờ tối, con người lừ đừ – mệt mỏi – uể oải – buồn ngủ.
  • Trạo hối (trạo cử – hối quá):

 

  • Trạo cử: Trạng thái tâm và thân như khỉ vượn chuyền cành, không bao giờ chịu ở yên, luôn lay động – suy nghĩ lung tung.
  • Hối quá: Hối hận – day dứt lỗi lầm đã qua.

 

  • Nghi: Nghi ngờ – ngăn che không thấy sự thật. Trạng thái nội tâm rối ren, đặt nhiều câu hỏi về khả năng của bản thân. Hoang mang không biết có đúng phương pháp, đúng mục đích… hay không.

Sáu phương pháp tiêu trừ hoài nghi:

  1. Thông suốt giáo pháp và giới luật.
  2. Nghiên cứu, học hỏi và thảo luận.
  3. Thấu triệt tinh thần của giới luật.
  4. Niềm tin hoàn toàn vững chắc.
  5. Thân cận người tốt.
  6. Luận đàm hữu ích.

Trích từ Đức Phật và Phật pháp, tác giả Narada, dịch giả Phạm Kim Khánh, nxb Hồng Đức, 2015, chương 37: Chướng ngại tinh thần (Năm triền cái), trang 421, 422.

Năm triền cái bất thiện, trói buộc, khởi tham đắm làm sa đọa – trì trệ ngăn che Tâm đến với an lạc – giác ngộ – giải thoát.

8. Chánh định:

Định là tập hợp – là sự tập trung – là sự thống nhất của tâm trí.

Phật Âm (Buddhagosa) định nghĩa: Định là “sự tập trung vào chính giữa của tiềm thức và những sự việc xung quanh tiềm thức một cách đồng đều và đúng đắn trên một đối tượng đơn lẻ… trạng thái mà do đó tiềm thức và những sự việc xung quanh nó duy trì một cách đồng đều và đúng đắn trên một đối tượng đơn lẻ, không bị làm phân tâm và không bị phân tán.”
Kinh Phân biệt về sự thật (Saccavibhanga Sutta) dạy:

“Này chư hiền, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất (cấp độ tập trung, tiếng phạn: “dhyāna”), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ;

Vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.

Tỷ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định.

Đây được gọi là chánh định.

C. Kết luận:

Thực tập Bát chánh đạo là tu tập Thân – Khẩu – Ý: Cải thiện bản thân – Cải tạo hoàn cảnh.

Bát chánh đạo là nền tảng chánh giác, là căn bản của Giải thóat – Giác ngộ.

Bát chánh đạo là tám con đường chân chánh, giúp hành giả hướng đến đời sống giải thóat – cao thượng, vươn lên giác ngộ. Các bậc Hiền, Thánh nương theo tám phương tiện này đi đến Niết bàn – Phật quả.

Đại sư người Đức Nyānatiloka trình bày như sau về tầm quan trọng Bát chánh đạo:

“Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng.”

11092567 – 25102023
Phan Văn Huy Tâm

my-portfolio

COMMENTS

WORDPRESS: 0